Định vị vai trò của ngành Dầu khí

Ngành Dầu khí cần phải được quan tâm, chú trọng, cần phải tăng cường đầu tư phát triển không chỉ ở trong nước mà vươn ra nước ngoài - Đó là mục tiêu, nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước đặt ra trong giai đoạn hiện nay.

Trải qua chặng đường hơn 40 năm, kể từ ngày 3/9/1975, Tổng cục Dầu mỏ và khí đốt Việt Nam (tổ chức tiền thân của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam) được thành lập, ngày nay Tập đoàn đã trở thành đầu tàu của nền kinh tế, là công cụ hữu hiệu điều tiết vĩ mô của Chính phủ, tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia, bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực, bảo vệ môi trường và đi đầu trong công tác an sinh xã hội...

Vinh dự được Đảng và Nhà nước tin tưởng giao trọng trách tìm kiếm, quản lý, giữ gìn, khai thác, phát huy giá trị nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá của đất nước, 43 năm qua, tập thể cán bộ, công nhân lao động ngành Dầu khí Việt Nam qua các thời kỳ luôn ý thức được trách nhiệm đối với Tổ quốc, với nhân dân, vượt mọi khó khăn, từng bước xây dựng ngành Dầu khí trưởng thành và đạt được nhiều thành công lớn.


Giàn khoan của Vietsovpetro tại mỏ Bạch Hổ

Đến nay Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã xây dựng được một hệ thống công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh, đồng bộ từ tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí đến vận chuyển, chế biến, lọc hóa dầu, tàng trữ, phân phối và các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ khác từ dầu khí…

Với trình độ khoa học công nghệ tương đồng với các nước phát triển, có quy mô lớn và năng lực cạnh tranh cao, Tập đoàn là doanh nghiệp Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng, có đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật công nghệ và quản lý trình độ cao, không ngừng lớn mạnh cả về chất và lượng, đã thực hiện được hầu hết các công việc, từ nghiên cứu - triển khai, tư vấn - thiết kế, đến sản xuất, kinh doanh trong toàn bộ chuỗi giá trị của công nghiệp dầu khí từ hoạt động thượng nguồn đến hạ nguồn, đóng góp rất quan trọng vào tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Vị thế và vai trò, thương hiệu và uy tín của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam ngày nay đã được khẳng định ở tầm cao mới kể cả ở trong nước và ở nước ngoài.

Kỷ niệm 43 năm Ngày Thành lập Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam là dịp ôn lại chặng đường lịch sử vinh quang và tự hào, tiếp tục phát huy truyền thống của các thế hệ những người đi tìm lửa, hun đúc ý chí, khát vọng thực hiện tốt nhất mong muốn cháy bỏng của Bác Hồ kính yêu: Việt Nam có ngành công nghiệp dầu khí hùng mạnh.

Đây cũng là dịp để mỗi cá nhân, mỗi tập thể trong toàn Tập đoàn quán triệt sâu sắc hơn tinh thần Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035.

Theo đó, những nhiệm vụ và giải pháp cơ bản định vị vai trò, vị trí của ngành Dầu khí, mang tính động lực cho phát triển của Tập đoàn, gồm: Hoàn thiện thể chế phát triển ngành Dầu khí; xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù riêng cho Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam phát triển; bảo đảm nguồn vốn cho Tập đoàn thực hiện các mục tiêu chiến lược; đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển bền vững, bảo vệ tài nguyên, môi trường; phát triển ngành Dầu khí Việt Nam gắn liền với nhiệm vụ quốc phòng - an ninh - đối ngoại.

Bên cạnh sự quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, Tập đoàn đã và đang thực hiện phối hợp chặt chẽ, đồng bộ để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy tối đa mọi nguồn lực để thúc đẩy sản xuất kinh doanh và đầu tư; thực hiện tái cơ cấu toàn diện tất cả các mặt, các lĩnh vực nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, năng lực quản lý, năng lực cạnh tranh, hình ảnh, uy tín của Tập đoàn; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính trong quản lý, điều hành; xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp, năng động, hiệu quả.

Hiện nay, Tập đoàn đang tập trung đẩy nhanh tái cơ cấu, quản trị doanh nghiệp theo hướng hiện đại, tập trung vào lĩnh vực then chốt, thiết yếu; nâng cao tiềm lực tài chính, chất lượng nguồn nhân lực, đầu tư đổi mới công nghệ, đổi mới mô hình tổ chức, mô hình kinh doanh, quản trị điều hành phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế; đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư ngoài ngành nghề kinh doanh chính và các doanh nghiệp kém hiệu quả. Trên cơ sở đó, bố trí lại nguồn lực để tập trung đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh có lợi thế của doanh nghiệp.

Song song với đó, Tập đoàn cũng đang thực hiện phương án hoàn thiện cơ cấu tổ chức bộ máy điều hành với mục tiêu xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu quả; cơ cấu lãnh đạo và số lượng nhân sự hợp lý; củng cố, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên có trình độ quản lý, trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao, nhiều kinh nghiệm, đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý, điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn và phù hợp với chủ trương chung của Chính phủ.

Trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu đang tồn tại nhiều thách thức đối với công nghiệp dầu khí, để Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam có thể thực hiện được những mục tiêu, nhiệm vụ trọng yếu xây dựng và phát triển ngành Dầu khí trong giai đoạn tới, các thế hệ người lao động dầu khí tin tưởng rằng, Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành sẽ tiếp tục tạo những điều kiện thuận lợi về mọi mặt như: Sớm điều chỉnh, hoàn thiện một số chủ trương chính sách không còn phù hợp về mô hình tổ chức và quản lý nhà nước đối với ngành; về cơ chế sản xuất kinh doanh và đầu tư tài chính... để giúp ngành Dầu khí vượt qua khó khăn, hoạt động năng động, hiệu quả hơn.

Theo yêu cầu nhiệm vụ của từng thời kỳ, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam có nhiều tên gọi khác nhau: Giai đoạn 1975-1990: Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam; 1990-1995: Tổng Công ty Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam; 1995-2007: Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam; giai đoạn từ 2007 đến nay là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam. Chính phủ đã quy định lấy ngày 27-11 hằng năm làm Ngày Truyền thống ngành Dầu khí Việt Nam và ngày 3-9 là Ngày Thành lập Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.

Nguyễn Tiến Dũng