Super User

Super User

Ngày 04/05/2024 tại Hà Nội, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) tổ chức Lễ công bố vận hành chính thức Hệ thống quản trị nguồn lực doanh nghiệp (ERP) cho Công ty mẹ Tập đoàn – Giai đoạn 1.

Đồng chí Lê Ngọc Sơn, Thành viên HĐTV, Tổng Giám đốc Tập đoàn chủ trì buổi lễ, với sự tham gia của các đồng chí trong Hội đồng Thành viên, Ban Tổng Giám đốc, lãnh đạo các Ban chuyên môn/Văn phòng Tập đoàn, đại diện lãnh đạo các đơn vị thành viên, chi nhánh trực thuộc Tập đoàn. Khách mời có đại diện lãnh đạo Công ty cổ phần Thiết bị và Truyền thông NGS, Tổng công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel, Công ty SAP Việt Nam…

Petrovietnam vận hành hệ thống quản trị nguồn lực doanh nghiệp (ERP)

Toàn cảnh buổi lễ

Nhận thức được ý nghĩa chiến lược, tầm quan trọng của chuyển đổi số đối với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, là công cụ để thực hiện đổi mới, nâng cao năng suất lao động, hiệu quả hoạt động và sức cạnh tranh, những lợi ích mà chuyển đổi số đem lại, Petrovietnam đã xác định công tác chuyển đổi số của Tập đoàn là việc bắt buộc phải thực hiện. Trong đó, sáng kiến số về triển khai Hệ thống quản trị nguồn lực doanh nghiệp ERP - Giai đoạn 1 là sáng kiến số trọng điểm, cốt lõi, đóng vai trò quan trọng hàng đầu của Petrovietnam. Tuy có tính chất phức tạp cao, nhưng với quyết tâm hoàn thành sứ mệnh số hóa Petrovietnam, các đơn vị, phòng ban thuộc Tổ triển khai của Tập đoàn đã phối hợp chặt chẽ với nhà thầu NGS đưa hệ thống đi vào vận hành với 6 phân hệ nghiệp vụ gồm: Kế toán Tài chính; Kế toán quản trị và ngân quỹ/dòng tiền; Lập Kế hoạch ngân sách và dự báo; Quản lý danh mục đầu tư; Hợp nhất Báo cáo tài chính; Báo cáo quản trị.

Với sự nỗ lực không ngừng nghỉ của tất cả các bên, ngày 31/3/2022 đã đưa vào vận hành phân hệ đầu tiên: Phân hệ Kế toán Tài chính. Ngày 20/11/2022 đã vận hành Phân hệ Hợp nhất Báo cáo tài chính Công ty mẹ. Ngày 08/3/2024, vận hành Phân hệ Hợp nhất Báo cáo tài chính Tập đoàn. Các Phân hệ còn lại đã hoàn thiện các công việc xây dựng hệ thống, chuyển đổi dữ liệu, đào tạo người sử dụng cuối. Toàn bộ hệ thống sẵn sàng đưa vào vận hành chính thức ngày 31/3/2024.

Petrovietnam vận hành hệ thống quản trị nguồn lực doanh nghiệp (ERP)
Ông Phạm Thế Trường, Tổng Giám đốc NGS phát biểu tại buổi lễ

Ông Phạm Thế Trường, Tổng giám đốc NGS khẳng định: đây là một thành quả vô cùng đáng tự hào, đánh dấu bước chuyển mình quan trọng của Petrovietnam trong kỷ nguyên số. Lãnh đạo NGS cam kết sẽ đồng hành cùng Petrovietnam trong suốt quá trình sử dụng hệ thống ERP, đồng thời cung cấp dịch vụ hỗ trợ toàn diện, giúp Petrovietnam khai thác tối đa hiệu quả hệ thống và đạt được mục tiêu phát triển mà Petrovietnam đã đề ra.

Petrovietnam vận hành hệ thống quản trị nguồn lực doanh nghiệp (ERP)
Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Ngọc Sơn phát biểu tại buổi lễ

Phát biểu tại buổi lễ, Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Ngọc Sơn ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của các bên liên quan đã không ngừng cố gắng vượt qua được những khó khăn để đưa hệ thống vào vận hành chính thức. Đồng thời, Tổng Giám đốc Lê Ngọc Sơn nhấn mạnh việc triển khai thành công Hệ thống ERP góp phần giúp Tập đoàn nâng cao năng lực quản trị, điều hành, tối ưu hoá công tác quản trị tài chính. Các dữ liệu được cập nhật kịp thời, cung cấp góc nhìn toàn diện hơn về tình hình hoạt động của các đơn vị trong Tập đoàn, giúp hỗ trợ tối đa Ban Lãnh đạo Tập đoàn trong việc đưa ra các quyết định.

Petrovietnam vận hành hệ thống quản trị nguồn lực doanh nghiệp (ERP)
Petrovietnam vận hành hệ thống quản trị nguồn lực doanh nghiệp (ERP)
Lãnh đạo Tập đoàn và các đơn vị đối tác thực hiện nghi thức chính thức vận hành hệ thống ERP

Trong thời gian tới, với mục tiêu đảm bảo hệ thống được vận hành an toàn, ổn định; dữ liệu của hệ thống được "Đúng, Đủ, Sống, Sạch", Tổng Giám đốc Lê Ngọc Sơn yêu cầu Văn phòng Tập đoàn, các ban chuyên môn, các đơn vị thành viên, các đối tác tiếp tục nâng cao văn hóa trong thời kỳ chuyển đổi số; Tập trung rà soát, cập nhật và hoàn thiện toàn bộ quy trình vận hành hệ thống theo quy định của pháp luật; Tổ chức rà soát, đánh giá toàn diện hệ thống để kịp thời phát hiện, ngăn chặn nguy cơ, điểm yếu kỹ thuật, lỗ hổng bảo mật, triển khai ngay các biện pháp xử lý, khắc phục tồn tại, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hệ thống; Bên cạnh đó, tiếp thu các ý kiến người dùng, nghiên cứu để cải tiến, nâng cấp hệ thống nhằm giúp Petrovietnam có thể sử dụng và khai thác tối đa giá trị hệ thống mang lại.

Tổng Giám đốc Lê Ngọc Sơn tin tưởng việc vận hành chính thức Hệ thống ERP phát huy hiệu quả theo tôn chỉ và mục tiêu đề ra và là tiền đề để Tập đoàn triển khai các sáng kiến số tiếp theo trong lộ trình chuyển đổi số.

Chiều ngày 24/4, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đã tổ chức Lễ phát động trồng cây phục hồi rừng trên đất ngập nước tại xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau.

Tham dự lễ phát động, về phía UBND tỉnh Cà Mau có ông Nguyễn Minh Luân - Phó chủ tịch UBND tỉnh.

Về phía Petrovietnam có ông Lê Mạnh Hùng – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn; các ông/bà trong Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn; ông Bùi Minh Tiến - Thành viên HĐTV Tập đoàn; bà Nghiêm Thùy Lan - Chủ tịch Công đoàn Dầu khí Việt Nam; cùng đại diện lãnh đạo các ban/Văn phòng Tập đoàn và lãnh đạo các đơn vị thành viên: Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP), Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC), Công ty Khí Cà Mau thuộc PV GAS; Công ty Điện lực Dầu khí Cà Mau thuộc PV Power, các đơn vị Dầu khí trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Lê Mạnh Hùng phát biểu tại lễ phát động.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Lê Mạnh Hùng – Chủ tịch HĐTV Petrovietnam chia sẻ, một trong những nguyên nhân dẫn đến khô hạn là do những cánh rừng bị tàn phá nặng nề làm giảm khả năng điều tiết nước bề mặt, hạ thấp mực nước ngầm dẫn đến cạn kiệt nguồn nước. Chính vì thế việc trồng cây, gây rừng là một trong những biện pháp cấp thiết, lâu dài, bền vững khắc phục tình trạng hạn hán. Bên cạnh đó, việc phủ xanh những cánh rừng bị ngập mặn, nhiễm phèn, ngập nước… góp phần quan trọng trong việc cân bằng hệ sinh thái, bảo vệ môi trường, cải thiện đời sống xã hội. Đối với doanh nghiệp việc trồng cây, gây rừng không chỉ là trách nhiệm với xã hội mà còn đưa lại những lợi ích cho doanh nghiệp khi được công nhận, cấp tín chỉ carbon bù đắp phần phát thải.

Ông Lê Mạnh Hùng khẳng định, việc phát động trồng cây là hành động mạnh mẽ của Petrovietnam khẳng định ý thức bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan thiên nhiên và hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu, góp phần cùng cả nước đạt được cam kết phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 theo cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu. Từ lễ phát động này, với sự vào cuộc cả hệ thống chính trị trong toàn Tập đoàn, mỗi cán bộ nhân viên, người lao động sẽ phát huy tinh thần trách nhiệm xây dựng và bảo vệ môi trường, không gian làm việc xanh, sạch, đẹp; qua đó tô đậm hình ảnh người Petrovietnam thân thiện, trách nhiệm với xã hội, với cộng đồng, làm giàu thêm bản sắc văn hóa Petrovietnam.

“Tôi kêu gọi toàn thể cán bộ nhân viên, người lao động dầu khí tiếp tục hưởng ứng và cam kết: chủ động trồng cây xanh, giữ gìn cảnh quan môi trường, tạo không gian xanh, sạch, đẹp, nâng cao chất lượng và giá trị các hệ sinh thái trong toàn Tập đoàn, tại các địa phương trong cả nước nhất là những nơi/vùng có hoạt động dầu khí. Bên cạnh đó, trồng cây phải đi đôi với chăm sóc, bảo vệ; xác định trồng cây nào, sống cây đó”, Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Với chủ đề “Phục hồi rừng trên đất ngập nước”, lãnh đạo Tập đoàn đề nghị các đơn vị tập trung phối hợp với các địa phương tham gia trồng, phủ xanh, phục hồi rừng trồng trên đất ngập mặn, ngập nước tại các tỉnh có hoạt động dầu khí, đảm bảo mục tiêu kép hoàn thành trồng 3 triệu cây xanh trong năm 2025 và lượng hóa việc giảm thải CO2 vào môi trường làm cơ sở đón đầu xu hướng miễn, giảm thuế/phí môi trường, chống phát thải, biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, các đơn vị rà soát xây dựng kế hoạch, giải pháp triển khai hoàn thành chỉ tiêu phân bổ trong năm 2024 và 2025.

Năm 2022, Petrovietnam đã phát động toàn thể cán bộ nhân viên, người lao động dầu khí trồng 3 triệu cây xanh trên các công trình, địa phương có hoạt động dầu khí giai đoạn 2022 - 2025. Trong 2 năm qua các đơn vị đã trồng mới và chăm sóc 615.135 cây xanh. Các đơn vị đã có những hành động cụ thể thực hiện chương trình tiêu biểu như: Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) đã phối hợp với địa phương/đơn vị trồng được hơn 260.000 cây xanh trên 76 ha rừng tại Cà Mau, Thái Bình, Nghệ An và hiện đã có những cánh rừng mang tên PVEP; Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo) đã hướng dẫn các đơn vị trực thuộc đánh giá tác động của các loại cây trồng đối với môi trường và đã hỗ trợ 100.000 cây phi lao giống cùng các vật tư đi kèm để chuyển tới các đảo Trường Sa trong chương trình “Xanh hóa Trường Sa”; Công ty Cổ phần Lọc Hóa Dầu Bình Sơn (BSR) đã cam kết cùng tỉnh Quảng Ngãi trồng 1 triệu cây xanh trên địa bàn tỉnh; … Tuy nhiên, số lượng cây trồng thực hiện trong 2 năm qua còn thấp so với mục tiêu đề ra. Vì vậy năm 2024 là năm quan trọng then chốt để tăng tốc hoàn thành mục tiêu.

Ông Trần Hồng Nam - Tổng Giám đốc PVEP phát biểu

Ông Trần Hồng Nam - Tổng Giám đốc PVEP cho biết, với mục tiêu hướng đến Net Zero vào năm 2050, PVEP đã chủ động xây dựng lộ trình trồng cây từ 2024-2050 với tổng số cây dự kiến trồng hơn 1,7 triệu cây, mỗi năm trồng từ 60-300 ngàn cây xanh. Thông qua dự án trồng rừng đóng góp khoảng 5 -7% vào mục tiêu giảm phát thải ròng của PVEP đến năm 2050. PVEP xác định trồng rừng là một trong những biện pháp giúp PVEP đạt mục tiêu giảm phát thải, đồng thời cũng mang lại rất nhiều lợi ích cho cộng đồng.

Lãnh đạo Petrovietnam cùng cán bộ nhân viên Tập đoàn tham gia trồng cây tại lễ phát động.

Cũng tại lễ phát động, PVEP, Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) đã ký thỏa thuận cùng Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Bộ và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau trồng mới 40 ha rừng và 250.000 cây xanh trên địa bàn tỉnh Cà Mau bù đắp những cánh rừng bị hạn hán tàn phá, cũng như xanh hóa đất rừng bị nhiễm phèn, ngặp mặn để lan toả đi thông điệp “Phục hồi rừng trên đất ngặp nước vì một Việt Nam xanh”.

PVEP, PVCFC ký thỏa thuận với Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Bộ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, trồng mới 40 ha rừng và 250.000 cây xanh trên địa bàn tỉnh.

Biên bản ghi nhớ này đánh dấu sự hợp tác giữa PVEP và Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Bộ, nhằm mục đích khai thác lợi thế của mỗi bên trong các hoạt động trồng và bảo vệ rừng, hướng tới các mục tiêu chính như bảo vệ môi trường, đối phó với biến đổi khí hậu, trung hòa carbon và phát triển các cơ chế quy đổi tín chỉ carbon. Cả hai bên sẽ cùng nhau chia sẻ thông tin, trao đổi kinh nghiệm và cùng thực hiện các dự án mà cả hai đều quan tâm.

Người dân huyện Trần Văn Thời nhận túi trữ nước ngọt.

Công đoàn Dầu khí Việt Nam trao tặng 100 bồn nước, tổng trị giá 100 triệu đồng hỗ trợ bà con nhân dân huyện Trần Văn Thời.

Việt Nam đang đối mặt với tình hình hạn hán khốc liệt, nắng nóng kéo dài khiến nguồn nước nhiều nơi cạn kiệt, ảnh hưởng nặng nề đến môi trường, cây trồng, nước sinh hoạt của người dân tại nhiều địa phương trong đó có tỉnh Cà Mau. Trước tình hình đó, thể hiện trách nhiệm và nghĩa tình của người lao động dầu khí, PVCFC dành tặng cho bà con nhân dân tỉnh Cà Mau 1 tỷ đồng để mua túi trữ nước ngọt hỗ trợ bà con chịu ảnh hưởng của hạn hán và xâm nhập mặn. Công đoàn Dầu khí Việt Nam trao tặng 100 bồn nước với tổng trị giá 100 triệu đồng hỗ trợ bà con nhân dân huyện Trần Văn Thời khắc phục hạn hán, xâm nhập mặn.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Lê Mạnh Hùng cùng Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Minh Luân trao học bổng cho các em học sinh.

Khánh thành cầu tuyến 87 (xã Khánh Bình Tây Bắc) xây dựng bằng nguồn tài trợ của Petrovietnam.

Cùng ngày, đoàn công tác Petrovietnam cũng dự Lễ khánh thành cầu tuyến 87 (ấp 2, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau). Tổng kinh phí xây dựng cầu hơn 500 triệu đồng từ nguồn tài trợ của Petrovietnam. Đây là một trong 6 công trình giao thông nông thôn do Petrovietnam hỗ trợ cho tỉnh Cà Mau trong giai đoạn 2022 - 2023 với tổng kinh phí 5 tỷ đồng.

Dịp này, Petrovietnam cũng trao tặng 20 suất học bổng, mỗi suất học bổng trị giá 1 triệu đồng cho các em học sinh tại xã Khánh Bình Tây Bắc để khích lệ tinh thần hiếu học của các em.

Nguồn: Petrotimes

Từ ngày 8-19/4/2024, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã tổ chức khóa học "Công nghệ tiên tiến nâng cao hiệu quả phát triển mỏ dầu khí" (Advanced technologies of increasing efficiency of oil and gas fields development) tại trụ sở Trường Đại học Dầu khí Việt Nam ở Thành phố Bà Rịa, Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Giảng viên khóa học là các chuyên gia hàng đầu của Viện Nghiên cứu khoa học “Các vấn đề địa công nghệ của Dầu, Khí và Hóa học” (GPOGC), Học viện Dầu mỏ Quốc gia Azerbaijan (GS.TS Arif Suleymanov; PGS.TS Haji Malikov; TS. Turan Ibrahimov) với sự tham gia của 30 học viên đến từ các Ban & đơn vị thành viên thuộc PVN: Ban Khai thác Dầu khí Tập đoàn, VSP, PVEP, PQ POC, HLHV JOC, VPI, PVChem-Tech, DMC, PVU. TS. Lê Việt Hải (nguyên Phó Tổng Giám đốc VSP) tham gia trợ giảng và chia sẻ những bài học kinh nghiệm thực tiễn ở Việt Nam.

Phát biểu tại buổi lễ Khai giảng khóa học vào ngày 8/4/2024, bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh - Phó trưởng Phòng Đào tạo - Ban Quản trị nguồn nhân lực Tập đoàn đã chia sẻ: "Trong bối cảnh sản lượng dầu khí đang có xu hướng suy giảm, một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Ban Quản trị Nguồn nhân lực được lãnh đạo Tập đoàn giao phó là đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thông qua các khóa đào tạo chuyên sâu, Tập đoàn mong muốn các học viên nắm vững những kiến thức, công nghệ mới, để có thể áp dụng vào công việc thực tiễn, qua đó phát huy hiệu quả sản xuất kinh doanh, hoàn thành các mục tiêu mà Tập đoàn đề ra".

PGS. TS Haji Malikov đại diện cho các chuyên gia từ Azerbaijan phát biểu cảm ơn sự quan tâm và tạo điều kiện của Lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) cho sự hợp tác lâu dài và hiệu quả của Tập đoàn và  Học viện Dầu mỏ Quốc gia Azerbaijan, trong đó rất nhiều chương trình trao đổi kỹ thuật, đào tạo chuyên sâu về các lĩnh vực của công nghiệp dầu khí được tổ chức tại Việt Nam và Azerbaijan. “Azerbaijan là một trong những nơi khai thác dầu mỏ sớm nhất thế giới, với tiềm năng rất lớn về dầu khí và có một lịch sử dài lâu với kinh nghiệm phong phú trong khai thác và sản xuất dầu thô, sản phẩm dầu mỏ, các chất hóa dầu… Trường đại học Hóa Dầu Baku là trường đào tạo về dầu khí danh tiếng ở châu Âu. Trường đã có lịch sử hơn 100 năm và đào tạo kỹ sư cho khâu đầu là tìm kiếm, thăm dò, khai thác rất giỏi, trong đó rất nhiều thế hệ sinh viên Việt Nam được đào tạo tại đây, nhiều người đã trở thành Lãnh đạo của PVN và các đơn vị thành viên”. PGS.TS Haji cũng nhắc lại sự kiện lịch sử ngày 23/7/1959 khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm vùng mỏ dầu  Baku của Cộng hòa Azerbaijan.

Trong thời lượng 02 tuần của khóa học, các học viên đã được nghe và thảo luận sôi nổi cùng giảng viên về các chuyên đề: (1) Cơ sở về mô phỏng mỏ; (2) Các chủ đề nâng cao trong Công nghệ mỏ; (3) Các vấn đề khi khai thác dầu có tỉ số khí dầu cao; (4) Ứng dụng mô phỏng mỏ trong công tác quản lý - phát triển mỏ, dự báo khai thác, thiết kế quy trình, quản lý rủi ro và ra quyết định; (5) Bơm ép nước; (6) Công nghệ giếng ngang; (7) Thử vỉa; (8) Mô phỏng gas tracer; (9) Phân tích rủi ro cho mỏ Azeri sử dụng kỹ thuật truyền thống và kỹ thuật mới; (10) Kiểm soát cát; (11) Phân tích Fractal; (12) Tối ưu hóa gaslift; (13) Cảm biến nhiệt độ phân tán (Distributed Temperature Sensing); (14) Phân tích đường cong suy giảm sản lượng; (15) Công nghệ nano trong thu hồi dầu tăng cường.

Khóa học được học viên đánh giá cao về nội dung, phương thức truyền đạt, công tác tổ chức. Đại diện Trung tâm Bồi dưỡng nâng cao (ATC) của Trường Đại học Dầu khí Việt Nam (PVU) – đơn vị tổ chức khóa học -  cùng các giảng viên đã cấp chứng nhận hoàn thành cho tất cả các học viên trong lễ Bế giảng vào chiều ngày 19/4/2024.

Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) đang tập trung triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nâng cao sản lượng khai thác dầu khí, gia tăng trữ lượng và phát triển mỏ để sớm đưa vào khai thác, từ đó bù đắp phần sản lượng thiếu hụt do các mỏ chính đều đang ở giai đoạn suy giảm tự nhiên sau nhiều năm khai thác trong khi dư địa tăng sản lượng khai thác ngày càng thu hẹp, các dự án mới có cơ hội đầu tư thêm rất hạn chế. Khóa học trên đã giúp cung cấp thêm thông tin, kiến thức và kinh nghiệm cho đội ngũ cán bộ của PVN và các đơn vị thành viên trong lĩnh vực E&P nghiên cứu, áp dụng cho những bài toán thực tế tại đơn vị.

Ngày 23/7/1959 đã diễn ra một sự kiện được coi là dấu mốc lịch sử trong quan hệ Việt Nam và Azerbaijan. Đó là ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm vùng mỏ dầu  Baku của Cộng hòa Azerbaijan. Chính nơi đây, Bác đã nói với các nhà lãnh đạo và các kỹ sư dầu khí nước bạn Azerbaijan rằng: “Tôi nghĩ Việt Nam chúng tôi có biển, nhất định sẽ có dầu, nhưng đang chiến tranh, chưa làm được. Tôi hy vọng và tin rằng sau khi Việt Nam kháng chiến thắng lợi, các đồng chí sẽ giúp chúng tôi tìm ra dầu, rồi giúp khai thác và chế biến dầu, xây dựng được khu công nghiệp dầu khí như Baku”.

Tin và ảnh: ATC/PVU

Một số hình ảnh của khóa học

 Picture1

Các giảng viên từ Azerbaijan, TS. Lê Việt Hải (trợ giảng) và Ban Tổ chức lớp học

Picture2

Bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh - Phó trưởng Phòng Đào tạo - Ban Quản trị nguồn nhân lực Tập đoàn, phát biểu khai giảng khóa học

Picture3

Ông Châu Khiếu Minh – Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng nâng cao (ATC) – Trường Đại học Dầu khí Việt Nam, phổ biến nội quy khóa học

Picture4

Chuyên gia từ Azerbaijan chia sẻ các chuyên đề

Picture6

Trao chứng nhận hoàn thành khóa học tại Lễ bế giảng

Picture7

Các chuyên gia Azerbaijan, TS. Lê Việt Hải, TS. Phan Minh Quốc Bình (Hiệu trưởng PVU) chụp hình kỷ niệm

Page 1 of 159